Nội Dung Bài viết:
Mức lương hàng tháng của các tài xế công nghệ Việt Nam là thắc mắc của nhiều người.
Theo nghiên cứu mới được công bố của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Trung tâm Tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng, nước ta đang có khoảng 200 nghìn lái xe công nghệ cung cấp dịch vụ chở người hoặc vận chuẩn thực phẩm, hàng hóa thông qua một ứng dụng công nghệ.
Hơn 50% trong số đó làm việc tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với độ tuổi từ 25 đến 35. Lao động nữ giới chỉ chiếm 5%. Các tài xế công nghệ thường có xuất thân khá đa dạng như sinh viên, công nhân, lái xe truyền thống, người buôn bán nhỏ,…
Về mặt học vấn, 25% có trình độ tiểu học và trung học, 26% có trình độ cao đẳng. 60% tài xế đi làm để chu cấp cho 2 người trở lên.
Nghiên cứu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết một tài xế xe máy làm việc trung bình 9,2 giờ mỗi ngày, tài xế ô tô làm khoảng 11,2 giờ mỗi ngày.
Thu nhập của tài xế xe máy là khoảng 318 nghìn đồng một ngày, tương đương 7 triệu đồng mỗi tháng. Lái xe ô tô công nghệ có thu nhập cao hơn, rơi vào khoảng 564 nghìn đồng một ngày và 12 triệu đồng mỗi tháng. Thu nhập này đều đã trừ chi phí xăng xe.

Có thể thấy, thu nhập trung bình của các tài xế công nghệ tại Việt Nam không cao ngất ngưởng như đồn đoán trên mạng. Trái lại, điều kiện làm việc của những lao động này có nhiều rủi ro do chịu ảnh hưởng của thời tiết, tai nạn, hư hỏng hàng hóa, tắc đường, quấy rối tình dục,…
Bên cạnh đó, tài xế công nghệ không được hưởng các khoản thưởng, trợ cấp, chương trình hỗ trợ từ nhà cung ứng dịch vụ. Chỉ có 42% lao động đã biết đến các chế độ an sinh xã hội, 67% không nắm bắt được cụ thể chế độ, tỷ lệ biết và nghe về BHXH tự nguyện là 66%, BHYT tự nguyện là 89%.
Trước tình hình này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan quản lý nghiên cứu, đánh giá thực trạng việc làm, điều kiện làm việc, an sinh xã hội, quản lý nhà nước về lao động tại công ty cung cấp dịch vụ nền tảng, ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, lái xe công nghệ (Grab, Gojek, Now, Aha Be,…) để hỗ trợ các lao động này.